• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Báo chí phải đi đầu trong chuyển đổi số
  • Thời gian đăng: 21/06/2023 08:23:51 AM - Lượt xem: 2624
  • Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
  • Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả, sức mạnh của kinh tế...”. Có thể khẳng định, chuyển đổi số là xu thế toàn cầu, là tất yếu khách quan, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nên chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí không là ngoại lệ.

    Đoàn công tác của Báo Điện Biên Phủ học hỏi kinh nghiệm làm báo đa phương tiện tại Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.

    Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Với mục tiêu đó, ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 348/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ. Thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả. Phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả. Ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong việc tự động hóa để thúc đẩy quá trình sản xuất nội dung.

    Là cơ quan báo chí của tỉnh, nhận thức rõ tầm quan trọng, vai trò của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay, thời gian qua Báo Điện Biên Phủ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng số lượng tin, bài về chuyển đổi số; xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về Chuyển đổi số trên ấn phẩm báo in, báo điện tử. Đồng thời, chủ động đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, máy quay, phòng thu và tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, sử dụng các nền tảng số trong triển khai công việc, văn bản, giấy tờ.

    Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số, Ban biên tập Báo Điện Biên phủ đã thường xuyên cử phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Hội Nhà báo tỉnh, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Đồng thời phối hợp mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng làm báo hiện đại, xây dựng các tác phẩm báo chí đa phương tiện, kỹ năng sản xuất video cho báo điện tử trên smartphone. Một phóng viên có thể vừa quay phim, chụp ảnh, viết, dựng video.

    Tích cực đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng tờ báo in và Báo Điện Biên Phủ điện tử với đa dạng các loại hình báo chí: Báo viết, báo điện tử, truyền hình internet. Thay đổi công nghệ làm báo và cách tiếp cận độc giả, đưa thông tin nhanh nhất, đa dạng nhất, đến độc giả thông qua các nền tảng mạng xã hội YouTube, Facebook, từng bước đáp ứng nhu cầu của độc giả trong thời đại công nghệ số hiện nay. Thành lập đoàn công tác gồm lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đi tham quan học hỏi cách làm báo đa phương tiện tại các báo bạn...

    Hiện nay, Báo Điện Biên Phủ đang phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ số triển khai Đề án Xây dựng tòa soạn điện tử, chuyển đổi dần từ mô hình tòa soạn truyền thống sang xây dựng tòa soạn hội tụ, ứng dụng các phần mềm: Quản lý tòa soạn; quản lý biên tập tin, bài, ứng dụng phần mềm quản lý báo in, báo điện tử đồng bộ trên một nền tảng số...

    Phóng viên Phạm Trung, Báo Điện Biên Phủ chia sẻ: Là phóng viên báo in công cụ tác nghiệp chủ yếu là máy ghi âm, máy ảnh, quyển sổ và cây bút. Nên khi mới tiếp cận phương thức tác nghiệp mới, sản xuất video trên smartphone, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số khiến cho tôi cũng như anh chị em phóng viên trong cơ quan bước đầu còn bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sau các lớp tập huấn theo hình thức cầm tay chỉ việc bản thân tôi cũng như những phóng viên khác đến nay đã có thể tác nghiệp độc lập, tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Sau khi tác nghiệp chúng tôi có thể dựng hình trực tiếp trên điện thoại và gửi về tòa soạn ngay, đảm bảo tính thời sự của thông tin, sự kiện.

  • Nguồn tin: baodienbienphu.com.vn
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng