• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Chuyển đổi số - Hướng đi tất yếu để doanh nghiệp hội nhập
  • Thời gian đăng: 29/08/2023 04:08:45 PM - Lượt xem: 2891
  • Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ và mở cửa hội nhập quốc tế sâu rộng, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là vấn đề cấp thiết cho tất cả doanh nghiệp ở mọi cấp độ và quy mô. Đối với hơn 1.200 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Điện Biên, hoạt động này chính là sự tích hợp công nghệ số vào quá trình sản xuất, kinh doanh với mục tiêu gia tăng hiệu quả vận hành, trải nghiệm khách hàng, tăng doanh thu, lợi nhuận và nhất là nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
  • Với nhiều doanh nghiệp kinh doanh và thương mại, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay là một vấn đề cốt lõi trong kinh doanh. Doanh nghiệp Tư nhân Hoàng Kim hiện có 5 cửa hàng trên địa bàn tỉnh với ngành nghề chính là kinh doanh các mặt hàng xe máy Honda Nhật Bản. Để tận dụng tối đa lợi thế về công nghệ số, doanh nghiệp đã sử dụng các phần mềm quản lý hàng hóa, phần mềm kế toán Misa, hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt… Đồng thời, sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm đối tác, khách hàng. Bất cứ thời điểm nào trong ngày nếu khách hàng có nhu cầu là chuỗi cửa hàng cũng có thể đáp ứng.

    Ông Lại Đăng Thủy, Doanh nghiệp Tư nhân Hoàng Kim, cho biết: “Thời gian qua, việc sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị đã có một số kết quả như: tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; thúc đẩy và tăng trưởng doanh thu, đồng thời giúp nhiều khách hàng biết đến công ty hơn”.

    1
    Điện Biên có hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số.

    Đối với Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên, ngoài việc sản xuất và cung cấp một số giống, cây nông nghiệp; công ty cũng trở thành nơi tư vấn, hỗ trợ, liên kết, sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Bên cạnh đó là kinh doanh dịch vụ khách sạn và cửa hàng bán các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh… Bởi vậy, việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm được đơn vị quan tâm. Đặc biệt là tăng cường quảng bá sản phẩm qua website, các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; quản lý dữ liệu khách hàng để tiếp cận lại sau khi mua hàng. Hiện nay đã có khoảng 30% sản phẩm của doanh nghiệp được tiêu thụ qua các kênh bán hàng này.

    Đến nay, tỉnh Điện Biên đã có hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; số lượng doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt gần 98%. Cùng với đó, được sự hỗ trợ, kết nối của tỉnh, các doanh nghiệp đã chủ động, tích cực tham gia nhiều sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các tỉnh trong cả nước; đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn, Postmart.vn, Vietconect…

    Gần đây nhất, đầu tháng 8/2023, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị Thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp để các cơ quan quản lý Nhà nước lắng nghe và có cái nhìn tổng quan nhằm đánh giá đúng về nhu cầu, thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và có giải pháp phát triển phù hợp. Điều đó cho thấy sự quan tâm của tỉnh đến quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp.

    1
    Thanh toán không dùng tiền mặt tạo thuận lợi cho khách hàng.

    Ông Nguyễn Trọng Chiến, Trưởng phòng Chuyển đổi số, Sở Thông tin – Truyền thông, cho biết: “Năm 2021, Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 13 về chuyển đổi số tỉnh Điện Biên. Trong đó, đề ra mục tiêu là trên 70% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và có 50 doanh nghiệp nền tảng số. Đến năm 2023, tỉnh Điện Biên đã có 43 doanh nghiệp nền tảng số; kinh tế số chiếm tối thiểu 10% GRDP của tỉnh”.

    Những thành công chuyển đổi số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại tỉnh Điện Biên mới chỉ là bước đầu và vẫn còn nhiều doanh nghiệp cần giải pháp căn cơ, để tạo sự chuyển biến. Bởi vậy, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, tỉnh Điện Biên cần tiếp tục quan tâm, đồng hành, triển khai thêm nhiều nội dung hỗ trợ về công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Bởi chìa khóa tất yếu để doanh nghiệp nâng cao vị thế cạnh tranh, phát triển bền vững là thực hiện chuyển đổi số một cách bài bản, khoa học. Đó cũng chính là cơ sở để doanh nghiệp vừa và nhỏ Điện Biên vươn tầm, tạo nên sức sống và giá trị mới trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

     

     

     

  • Tác giả: Phương Dung - Chí Công
  • Nguồn tin: DIENBIENTV.VN
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng