• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Chuyển đổi số - cơ hội cho hoạt động xuất bản
  • Thời gian đăng: 11/10/2022 04:02:38 PM - Lượt xem: 2751
  • Chuyển đổi số hiện là xu thế phát triển của mọi ngành nghề, trong đó có ngành xuất bản (bao gồm 3 lĩnh vực: xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm). Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xuất bản điện tử, phát triển công nghệ trong lĩnh vực sách là vấn đề mũi nhọn được quan tâm của các đơn vị xuất bản, phát hành.
  • “Chân trời mới” cho ngành xuất bản

    Thế giới đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, một cuộc cách mạng công nghệ mới, gia tăng nhanh về tốc độ theo cấp luỹ thừa; phạm vi rộng khắp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội tạo sự thay đổi chưa từng có trong mô hình kinh tế - xã hội. Những thay đổi về đời sống kinh tế - xã hội gắn liền với những thay đổi về nhu cầu và phương thức tiếp cận sách của độc giả, ngành xuất bản đứng trước những thời cơ và thách thức mới, bởi vậy thực hiện chuyển đổi số như một yêu cầu tất yếu trong giai đoạn phát triển mới.

    Theo dự báo của nhiều nước phát triển, trong tương lai gần, xuất bản số sẽ là một phương thức cơ bản của hoạt động xuất bản. Quá trình ra đời và hoàn thiện không ngừng của sách kỹ thuật số, với những tiện ích vượt trội so với sách in giấy đã và đang mở ra một “chân trời mới” cho ngành xuất bản. Trong hoạt động xuất bản, nhiều thiết bị điện tử kết hợp việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối và xử lý dữ liệu đã, đang và sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác xuất bản, phát hành, điển hình là các máy đọc mã vạch để tra cứu nguồn gốc xuất xứ cũng như giá của xuất bản phẩm, kết hợp hệ thống phần mềm bán hàng. Mỗi xuất bản phẩm được bán thì hệ thống đều tự động cập nhật số lượng xuất/tồn kho và ghi nhận doanh thu về máy chủ. Hoặc đối với việc mang lại những trải nghiệm cao cấp hơn về nội dung của xuất bản phẩm thì hiện nay nhiều xuất bản phẩm có sự tích hợp cả sách in truyền thống và ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử. Với các loại xuất bản phẩm này, hình ảnh minh họa hoặc nhân vật trong sách sẽ trở nên sống động hơn với những chuyển động ba chiều khi dùng điện thoại thông minh quét lên các bức hình được in trên sách.

    Ngành xuất bản đang tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

    Xuất bản và phát hành trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ có sự kết hợp và tương tác mạnh mẽ của các nền tảng dịch vụ mạng xã hội khác nhau; đồng thời là khả năng tra cứu tức thời các nội dung quan tâm, hoặc người đọc cũng có khả năng dễ dàng đối chiếu nội dung với những phần mở rộng (ngoài nội dung chính của sách) được tích hợp ngay trong cuốn sách điện tử.

    Chuyển đổi số có thể mang đến những thay đổi ngày càng rõ nét trong các khâu xuất bản, truyền thông, phát hành. Những công đoạn của xuất bản truyền thống sẽ được giảm đi rất nhiều để đến được tay nhiều độc giả nhất trong thời gian nhanh nhất. Thực tế ngành xuất bản thế giới cho thấy, các quốc gia có nền xuất bản phát triển hiện đại đều là những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực xuất bản điện tử, xuất bản kỹ thuật số, tiêu biểu là các nước: Mỹ, Trung Quốc, Đức, Anh, Pháp…

    Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, chuyển đổi số hoạt động xuất bản với việc tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngành xuất bản Việt Nam đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, thích nghi với cơ chế thị trường và từng bước hình thành thị trường phát hành sách đa dạng, phục vụ tốt nhu cầu của độc giả. Ở Việt Nam, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản đã từng bước diễn ra trong các khâu của hoạt động xuất bản, thể hiện rõ nhất là trong các hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử, xuất bản điện tử. Hầu hết các nhà xuất bản, công ty sách đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động xuất bản, phát hành. Các kênh phát hành cũng được mở rộng, vượt ra ngoài khuôn khổ của các kênh phát hành truyền thống với các hệ thống phát hành trực tuyến được xây dựng theo công nghệ đa nền tảng, đa giao diện. 

    Hiện nay, các loại hình sách mới như ebook, audiobook, video book đã xuất hiện ngày một nhiều hơn trên thị trường xuất bản Việt Nam, không chỉ đáp ứng nhu cầu của bạn đọc thông thường mà còn đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng đặc biệt khác như học sinh các cấp học, người khiếm thị.v.v.. Các hệ thống marketing, bán hàng tự động và bán tự động với trí tuệ nhân tạo như chatbot, tự động gửi thông tin marketing qua email, mạng xã hội theo sở thích, thói quen và nhu cầu riêng của từng khách hàng đang xuất hiện ngày một nhiều.

    Một số nhà xuất bản, công ty sách đang chuyển dần hướng tiếp cận bạn đọc từ sách in sang sách điện tử cũng là một minh chứng sinh động và rõ rệt nhất cho chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản. Tính đến nay, cả nước đã có 12 nhà xuất bản và 6 doanh nghiệp phát hành được cấp xác nhận xuất bản/phát hành xuất bản phẩm điện tử.

    “Chìa khóa” tạo bước tiến cho ngành xuất bản

    Trong giai đoạn phát triển mới, ngành xuất bản, in và phát hành xác định rõ mục tiêu đối với lĩnh vực xuất bản: duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm đạt 4,5-5%; tăng số lượng sách xuất bản/người/năm đạt 5-5,5 bản vào năm 2025; đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử (tính theo đầu sách) đạt 15% vào năm 2025. Để đạt được các chỉ tiêu về số lượng đầu sách xuất bản hằng năm và đặc biệt là số lượng xuất bản sách điện tử, thực hiện phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại dựa trên công nghệ số là hướng đi mà ngành xuất bản, in và phát hành hướng tới.

    Theo đó, con đường chuyển đổi của các đơn vị xuất bản Việt Nam cần tập trung theo hướng: đổi mới và hiện đại hóa nền tảng công nghệ, kỹ thuật, phương tiện, chuỗi giá trị, xác định cụ thể phân khúc khách hàng - người đọc...; không chỉ coi trọng sách giấy, mà còn phải đa dạng hóa các loại hình xuất bản, số hóa nguồn tài nguyên nội dung, tích hợp đa phương tiện hóa sản phẩm nội dung để đạt được lợi ích tối đa và phục vụ người dùng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. 

    Độc giả trải nghiệm sách điện tử. 

    Đổi mới và phát triển theo mô hình cơ quan xuất bản - công nghệ; sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện với phương châm bám sát nhu cầu và sở thích của độc giả - đặc biệt là thế hệ Z (tạo app đọc sách, app bán sách, phân phối nội dung trên Facebook, Tiktok...); sản xuất podcast, audiobook… khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động xuất bản, chú trọng đưa các xu hướng hiện đại dựa trên khai thác dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud computing), Internet vạn vật (IOT) và trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain)...

    Bên cạnh đó, cần cải tiến quy trình biên tập - xuất bản theo phương thức tích hợp; sử dụng các phần mềm biên tập, quản lý duyệt bản thảo nhanh chóng, hiệu quả; sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích nhu cầu của độc giả, các review của độc giả khi đọc sản phẩm của đơn vị xuất bản; đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi; xây dựng các chiến lược kinh doanh phù hợp với mục tiêu chuyển đổi số như tổ chức các sự kiện; chú trọng đầu tư, nâng cấp xây dựng sàn thương mại điện tử; thành lập các câu lạc bộ yêu sách, tạo các ưu đãi hấp dẫn cho các thành viên khi tham gia câu lạc bộ.

    Ở Việt Nam, hiện nay chưa có nhà xuất bản nào có thể xây dựng, tập hợp, tích hợp được kho dữ liệu số thực sự lớn; mỗi đơn vị xuất bản hiện nay chỉ mới số hóa được một phần nhỏ nguồn tài nguyên nội dung họ đang có; còn rất nhiều cuốn sách chưa được số hóa, chưa được sắp xếp vào các kho dữ liệu. Do đó, cần phải cải cách thể chế quản lý, cơ chế vận hành và cơ chế sử dụng nguồn nhân lực, tập trung nguồn tài nguyên nhằm tạo điều kiện môi trường xuất bản kỹ thuật số hiện đại. Tăng cường số hóa các xuất bản phẩm, tạo ra các xuất bản phẩm số với nhiều hình thức khác nhau: sản phẩm số hóa văn bản (CD-ROM, DVD-ROM, ebook) hoặc sản phẩm âm thanh (sách nói -  Audiobook), sách tương tác, các video clip..., từ đó dẫn tới sự thay đổi sâu rộng đối với phương thức vận hành và phân phối, trong đó có khâu kinh doanh, phát hành, phân phối xuất bản phẩm, thương mại điện tử được thực hiện đối với các xuất bản phẩm.

    70 năm qua, ngành xuất bản đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, tích luỹ và truyền bá tri thức, góp phần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chuyển đổi số là cơ hội lớn, là "chìa khoá" tạo đột phá cho ngành xuất bản tiếp tục vai trò, sự mệnh của mình trong những năm tiếp theo./.

  • Nguồn tin: Theo ĐCSVN
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng