• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Chuyển đổi số: Thời cơ và thách thức với báo chí Điện Biên
  • Thời gian đăng: 15/06/2023 04:51:49 PM - Lượt xem: 2536
  • Hiện nay, khi lĩnh vực công nghệ thông tin luôn không ngừng phát triển và trở thành công cụ đắc lực để hiện thực hóa xu hướng chuyển đổi số quốc gia, phát triển xã hội số, kinh tế số. Bởi vậy việc ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số báo chí đã trở thành xu hướng tất yếu của mỗi cơ quan báo chí. Trên lộ trình chuyển đổi đó, có nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng không ít thách thức đặt ra với các cơ quan báo chí của tỉnh nhà.
  • Bộ phận kỹ thuật, Phòng Thư ký Tòa soạn, Báo Điện Biên Phủ thực hiện sản xuất các ấn phẩm báo chí.

    Tại tỉnh Điện Biên, việc chuyển đổi số báo chí được UBND tỉnh phê duyệt trong Đề án Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 3179/QĐ-UBND ngày 6/12/2021. Đây là cơ sở, căn cứ để các cơ quan báo chí tỉnh nghiên cứu, tập trung nguồn lực, từng bước thực hiện Chuyển đổi số báo chí. Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết: “Không thể đứng ngoài cuộc, việc các cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số là quá trình tất yếu để tồn tại và phát triển. Thực tế cho thấy, các cơ quan báo chí của tỉnh đã vào cuộc thực hiện chuyển đổi số báo chí. Việc các cơ quan báo chí đã và đang từng bước đổi mới, thay đổi qui trình, phương thức làm báo, đưa tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động báo chí đã giúp cho độc giả, bạn đọc tiếp cận thông tin nhanh hơn, chất lượng hơn. Để từ đó, từng bước xây dựng và hình thành tòa soạn hội tụ, thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý. Đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung; thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo. Và cũng để phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí cách mạng…”.

    Tuy vậy, trên lộ trình chuyển đổi số tại địa phương miền núi như tỉnh ta không tránh khỏi những khó khăn, thách thức cản trở. Theo ông Nguyễn Hùng Cường, thách thức đầu tiên của các cơ quan báo chí hiện nay phải kể đến sự cạnh tranh rất khốc liệt của các loại hình truyền thông mới, đặc biệt là mạng xã hội. Nguyên nhân là các trang mạng xã hội hiện nay luôn đáp ứng được nhu cầu nhanh nhạy về thông tin và thị hiếu của nhiều độc giả; mang lại hiệu quả trong chiến lược quảng cáo của các tập đoàn, doanh nghiệp, dẫn đến doanh thu về quảng cáo của các cơ quan báo chí bị tụt giảm. Thứ nữa là sự cạnh tranh không chỉ là việc đưa thông tin thuần túy, mà nó còn liên quan đến uy tín, sự tin dùng của độc giả đối với từng loại hình báo chí… Nhân lực cho chuyển đổi số cũng đang là thách thức lớn không chỉ đối với báo chí mà với toàn xã hội. Việc ứng dụng công nghệ đòi hỏi người quản lý báo chí phải có trình độ nhất định về khoa học công nghệ, kỹ năng, kỹ thuật khi vận hành... Trong khi việc sử dụng kỹ năng số của phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên còn chưa theo kịp tốc độ phát triển của thông tin số. Cuối cùng là cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số báo chí. Ngân sách/doanh thu hàng năm của các loại hình báo chí cho việc chuyển đổi số, quản lý số còn rất hạn chế; chưa có khả năng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bổ khuyết cho các thiết bị đang thiếu, các thiết bị đã xuống cấp trong quá trình sử dụng và bảo đảm an toàn an ninh mạng...

    Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực phát thanh truyền hình (PTTT) có tác động rất lớn tới việc tăng chất lượng chương trình, tăng an toàn phát sóng, tăng hiệu quả công việc và tăng tính đáp ứng của các đơn vị trong thời kỳ cách mạng 4.0 như hiện nay. Ông Nguyễn Đình Phức, Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình (PTTH) tỉnh cho biết: “Những năm qua Đài PTTH tỉnh đã thực hiện tốt đề án số hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020 theo Quyết định 2451/QĐ-TTg trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, việc chuyển đổi số lĩnh vực PTTH về cơ bản đã xong khâu số hóa từ tiền kỳ, sản xuất chương trình, biên tập, duyệt chương trình, xuất bản, lập lịch phát sóng, lưu trữ. Thế nhưng vẫn chỉ dừng ở mức độ độc lập ở từng bộ phận trong cơ quan mà chưa kết nối liên thông được giữa các bộ phận với nhau, do vậy chưa thoát ly được văn bản giấy, để chuyển sang môi trường mạng không giấy. Cùng với đó, các thiết bị trong hệ thống để thực hiện đề án số hóa truyền hình mặt đất của Đài mới dừng ở đơn chiếc, hệ thống lưu trữ tư liệu của tỉnh với dung lượng còn chưa đáp ứng so với yêu cầu. Các nội dung chương trình được sản xuất ở đài đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mà tỉnh giao, nhưng vẫn chưa được truyền tải đến cơ sở để phục vụ nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh...”.

    Là một trong ba cơ quan báo chí của tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Điện Biên (thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên) coi việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là xu thế tất yếu để phát triển và thích ứng với sự biến đổi mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà cũng không thể đứng ngoài cuộc khi cả cộng đồng đang tiến mạnh mẽ về đích xã hội số. Bởi vậy, lãnh đạo Tạp chí đã và đang xây dựng chủ trương đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trên cơ sở từng bước gắn với công cuộc chuyển đổi số. Bà Trần Thị Hiền, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Điện Biên chia sẻ: “Việc chuyển đổi số đối với Tạp chí là vô cùng cần thiết, giúp cho việc đưa thông tin đa dạng, phong phú, tốc độ truyền tải nhanh, tăng lượng tương tác và phản hồi linh hoạt. Tuy nhiên, chuyển đổi số đối với Tạp chí là việc khó, để thực hiện thành công đòi hỏi phải có sự đổi mới từ tư duy đến nhận thức và hành động của đội ngũ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên. Hiện lãnh đạo Hội đang triển khai xây dựng Đề án thành lập Tạp chí điện tử. Nếu Tạp chí điện tử đi vào hoạt động sẽ là bước tiến lớn trong công tác chuyển đổi số. Hy vọng thời gian tới, bạn đọc sẽ được tiếp cận các tác phẩm văn học, nghệ thuật trên nền tảng mạng xã hội thông qua Tạp chí Văn nghệ Điện Biên điện tử”.

    Ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu cơ bản của Chiến lược là phát triển hệ thống báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả... Báo chí Điện Biên cũng không nằm ngoài mục tiêu đó. Ông Nguyễn Hùng Cường cho biết thêm: “Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số báo chí ở địa phương trong thời gian tới, Sở TT&TT sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí tỉnh và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm an toàn an ninh mạng; xây dựng nền tảng số dùng chung cho báo chí; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, cũng như chuyển đổi mô hình làm báo tòa soạn hội tụ, mô hình kinh doanh, phân phối nội dung trên không gian mạng. Đồng thời, kiến nghị Bộ TT&TT hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ thuật cho cán bộ, lãnh đạo quản lý về kỹ năng cơ bản, cần thiết cho chuyển đổi số báo chí; triển khai công cụ đo lường, giám sát cơ quan báo chí, đánh giá từng tờ báo, từng phóng viên và cả không gian báo chí…

  • Nguồn tin: https://www.baodienbienphu.com.vn/
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng