• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Công nghệ mở là để các quốc gia có thể làm chủ công nghệ
  • Thời gian đăng: 04/09/2024 03:55:44 PM - Lượt xem: 740
  • Các quốc gia chỉ có thể có niềm tin số khi công nghệ họ sử dụng là công nghệ mở. Công nghệ mở là để các quốc gia có thể làm chủ công nghệ mà mình sử dụng.
  • Công nghệ thông tin, công nghệ số đã, đang và sẽ thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, sẽ trở thành không khí thở của chúng ta. Và vì thế, nó phải rẻ như không khí. Và cách để đạt được điều đó là công nghệ mở. Công nghệ mở không chỉ là mã nguồn mở, mà còn là kiến trúc mở và chuẩn mở. Và đi cùng công nghệ mở là văn hoá mở. Tất cả chúng ta cùng đóng góp phát triển công nghệ, cùng chia sẻ sử dụng công nghệ. Và vì thế mà giá công nghệ sẽ rẻ đi.

    botruongnmh-647.jpg

    Các quốc gia chỉ có thể có niềm tin số khi công nghệ họ sử dụng là công nghệ mở. Công nghệ mở là để các quốc gia có thể làm chủ công nghệ mà mình sử dụng.Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

    Công nghệ thông tin, công nghệ số đã trở thành nền tảng của KT-XH. Cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là cuộc di chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo. Nhưng tất cả các quốc gia đều lo lắng về an ninh mạng. Niềm tin số trở thành yếu tố quyết định cho sự thành công của cuộc di chuyển này. Các quốc gia chỉ có thể có niềm tin này khi công nghệ họ sử dụng là công nghệ mở. Công nghệ mở là để các quốc gia có thể làm chủ công nghệ mà mình sử dụng. Không còn như trước đây, chúng ta mua một ‘Black Box’ từ một quốc gia khác và phó mặc số phận của quốc gia mình cho một quốc gia khác. Hiện nay, nhiều quốc gia đã tuyên bố chỉ mua công nghệ khi công nghệ là mở, nhất là khi các công nghệ đó dùng để xây dựng các hạ tầng nền tảng quốc gia. Việt Nam phát triển công nghệ 5G dựa trên chuẩn mở Open RAN. Mạng 5G Việt Nam cũng sẽ dùng chuẩn mở.

    Sự sáng tạo vĩ đại nhất là sự sáng tạo của toàn dân. Và cũng chính sự sáng tạo này mới có thể giải quyết các vấn đề, các bài toán của từng cá nhân, từng tổ chức nhỏ và của từng quốc gia. Không một công ty nào, một tập đoàn đa quốc gia nào, dù qui mô to đến đâu, có thể giải quyết mọi bài toán, đáp ứng mọi nhu cầu thay đổi. Không ai có thể hiểu bài toán, vấn đề của mình hơn chính mình và vì thế, chúng ta sẽ là người tốt nhất để giải bài toán của mình. Sự sáng tạo toàn dân chỉ có thể xảy ra khi công nghệ là mở. Công nghệ mở sẽ khai phóng năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân. Mỗi người đứng trên vai những người khác để phát triển, và từ đó tạo ra một mặt bằng cao hơn cho những người khác nữa. Trong đại dịch covid-19, rất nhiều ứng dụng số Việt Nam, trong đó có Bluezone, CoMeet, v.v... đã được mở mã nguồn hoặc phát triển rất nhanh trên nền nguồn mở, đáp ứng các nhu cầu rất Việt Nam, góp phần chống dịch và đưa cuộc sống lên trạng thái bình thường mới.

    Dữ liệu là dầu mỏ. Trong tương lai, hầu hết các giá trị sẽ được tạo ra từ dữ liệu. Càng nhiều dữ liệu, nhất là càng nhiều loại dữ liệu khác nhau thì cơ hội tạo ra giá trị mới càng lớn. Người có dữ liệu và người tạo ra giá trị mới từ dữ liệu đó trong nhiều trường hợp không phải là một. Bởi vậy việc mở dữ liệu và dữ liệu mở là quyết định trong việc tạo ra giá trị mới cho người dân, cho đất nước. Bộ TTTT đã ra mắt cổng quốc gia về mở dữ liệu data.gov.vn và hiện đã có trên 10.000 bộ dữ liệu.

    Việc mở dữ liệu và dữ liệu mở là quyết định trong việc tạo ra giá trị mới cho người dân, cho đất nước. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

    Nghiên cứu sản xuất thiết bị dựa trên công nghệ mở sẽ cho phép các doanh nghiệp công nghệ hợp tác, kết hợp sức mạnh của nhau để đi nhanh hơn, chuyên sâu hơn để công nghệ xuất sắc hơn. Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ thiết bị 5G, mặc dù xuất phát của chúng ta là thấp, rất ít người, cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam có thể làm được. Hai doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước là Viettel và VinGroup, sau một thời gian độc lập phát triển công nghệ 5G, dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT đã thống nhất hợp tác phát triển 5G theo chuẩn mở Open RAN. VinGroup tập trung làm phần vô tuyến - phần cứng, Viettel tập trung làm phần xử lý tín hiệu - phần mềm, và tích hợp thành sản phẩm thương mại. Sự hợp tác này đã đẩy nhanh tiến độ làm chủ thiết bị, cũng như kết hợp thế mạnh công nghệ của nhau để có được thiết bị 5G cạnh tranh quốc tế. Ngoài ra, sự kết hợp này cũng cộng lại thị trường của hai tập đoàn để tạo ra một thị trường lớn hơn. Trong nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ cao thì thị trường có vai trò không kém gì công nghệ.

    Với một nước đi sau như Việt Nam chúng ta mà muốn đi trước thì phải đứng trên vai những người khác. Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại.

    Mở để phát triển và làm chủ công nghệ Việt Nam, để Make in Vietnam. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

    Vietnam Open Summit lần thứ nhất là cam kết của Việt Nam về phát triển và làm chủ công nghệ số dựa trên chuẩn mở. Không chỉ là cam kết mà đây còn là chiến lược của chúng ta: Mở để phát triển và làm chủ công nghệ Việt Nam, để Make in Vietnam. Không chỉ là chiến lược mà đây còn là chương trình hành động của chúng ta. Mỗi cơ quan, doanh nghiệp hãy nhận lấy cho mình một công việc và cam kết hành động. Cơ quan nhà nước hãy hành động để xây dựng chính sách, chiến lược. Doanh nghiệp hãy hành động để phát triển các nền tảng. Các cơ sở đào tạo hãy hành động để nuôi dưỡng và phát triển cộng đồng mở. 

  • Nguồn tin: vietnamnet.vn
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng