Đưa bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” về với người dân Hà Nội bằng công nghệ 3D mapping
Thời gian đăng: 04/05/2024 09:50:54 AM - Lượt xem: 1610
Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ TT&TT phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức trình chiếu bức tranh về chiến dịch Điện Biên Phủ bằng công nghệ 3D mapping tại Tượng đài Cảm tử (quận Hoàn Kiếm).
Tham dự buổi trình chiếu tối 3/5 có Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ An Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến; cùng lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương…
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Hôm nay chúng ta có mặt tại tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh của quân và dân Thủ đô để cùng nhau nhớ về sự kiện lịch sử đặc biệt: Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 70 năm đã trôi qua nhưng vào những ngày này, mỗi người dân Việt Nam đều hướng về Điện Biên, nhớ về chiến thắng Điện Biên Phủ - một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường và chiến lược quân sự tài tình của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Để ghi nhớ và tôn vinh chiến thắng vĩ đại này, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Điện Biên qua nhiều thời kỳ đã quan tâm, nỗ lực bảo vệ, khôi phục và lan tỏa tinh thần Điện Biên đến với cả nước bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc thực hiện bức tranh panorama nói trên.
Bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là một tác phẩm nghệ thuật đồ sộ, đặc sắc với diện tích hơn 3.000m2, được thực hiện bởi gần 200 họa sĩ tài hoa và tâm huyết trong 9 năm, dưới sự dẫn dắt của kiến trúc sư trưởng Nguyễn Văn Mạc. Bức tranh tái hiện một cách sinh động và chân thực toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ.
Với mong muốn truyền tải toàn vẹn giá trị lịch sử để người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hiểu thêm về những hy sinh to lớn của cha ông, hiểu hơn về giá trị của hòa bình và độc lập, Bộ TT&TT đã phối hợp với UBND TP Hà Nội đưa bức tranh này từ Điện Biên về Hà Nội thông qua công nghệ trình chiếu 3D mapping.
Đây là kỹ thuật sử dụng ánh sáng và hình ảnh, âm thanh để tạo hiệu ứng, giúp người xem trải nghiệm bức tranh một cách sống động và chân thực nhất.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, việc trình chiếu bức tranh không chỉ là trải nghiệm mà sẽ góp phần quảng bá, nuôi dưỡng sự trân trọng sâu sắc hơn với lịch sử, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước.
“Lịch sử dân tộc như một dòng chảy vun đắp lên bản sắc và tâm hồn mỗi người con đất Việt. Hôm nay, chúng ta có mặt ở đây cũng là để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với các thế hệ đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập dân tộc, để Việt Nam có được hạnh phúc và tự do ngày hôm nay. Với ý nghĩa đó, buổi trình chiếu này cũng là để thể hiện tấm lòng cùng cả nước hướng về Điện Biên”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Sự kiện diễn ra từ nay đến ngày 5/5, nhằm phục vụ cho các cơ quan, tổ chức và Nhân dân, nhất là những người dân chưa có dịp đến Điện Biên Phủ, được chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật độc đáo và hiểu thêm về quá trình, ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sự kiện đặc biệt này hứa hẹn mang đến cho công chúng trải nghiệm sống động, chân thực về một trong những trang sử hào hùng nhất của dân tộc ta.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT, bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ là tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, độc đáo, ấn tượng; giúp công chúng có cái nhìn chân thực, toàn diện về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều có thể đến Điện Biên xem được. Do vậy, Bộ TT&TT đã quyết định đưa bức tranh từ Điện Biên về Hà Nội để thêm nhiều người được trải nghiệm từ đó lan tỏa lòng yêu nước, yêu lịch sử, nhất là với thế hệ trẻ.
“Trình chiếu bức tranh 3D “Chiến dịch Điện Biên Phủ” tại Hà Nội là phương thức truyền thông mới áp dụng công nghệ số với sự kết hợp giữa kỹ xảo, màu sắc và âm thanh sống động”, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.