• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở cơ sở còn thiếu
  • Thời gian đăng: 25/09/2023 02:47:08 PM - Lượt xem: 2232
  • Chuyển đổi số quốc gia là một chủ trương lớn đã được Ðảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo định hướng triển khai trong những năm gần đây, và được Chính phủ cụ thể hóa, đưa ra trong nhiều văn bản quan trọng, làm cơ sở triển khai chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên trong thực tế, đội ngũ cán bộ có chuyên môn công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số tại cấp cơ sở hiện nay đang rất thiếu, đòi hỏi cần có sự bổ sung, kiện toàn, nâng cao năng lực để có thể thực thi nhiệm vụ được giao.
  • Công chức xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh.

    Ở cấp huyện, các phòng văn hóa - thông tin có chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về CNTT, chuyển đổi số tại địa phương. Còn ở cấp xã, phường, thị trấn hiện nay chỉ có cán bộ kiêm nhiệm công tác quản lý Nhà nước về CNTT, chuyển đổi số, chưa có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này. Trong khi đó, quá trình thực hiện chuyển đổi số tại địa phương, khối lượng công việc và yêu cầu nghiệp vụ đối với lĩnh vực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số ngày càng cao. Một trong những vấn đề lớn đặt ra là nguồn nhân lực CNTT tại chính các cơ quan chuyên trách CNTT, chuyển đổi số tại địa phương lại đang bị thiếu hụt nhiều so với nhu cầu thực tế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới...

    Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ðiện Biên Ðông mấy năm gần đây luôn thiếu người. Bởi từ khi chia tách và thành lập Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, nhiều cán bộ đã được điều chuyển sang nhận nhiệm vụ mới. Ông Nguyễn Trọng Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ðiện Biên Ðông, cho biết: Căn cứ vị trí và chức năng, Phòng có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện quản lý Nhà nước về: Văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch và quảng cáo; báo chí; xuất bản, in và phát hành; phát thanh; thông tin điện tử; thông tin cơ sở; thông tin đối ngoại; bưu chính; viễn thông; CNTT; chuyển đổi số trên địa bàn… Thế nhưng, Phòng được giao hàng năm chỉ có 3 biên chế. Ðể đáp ứng công việc hàng ngày, anh em trong cơ quan phải làm ngoài giờ nên ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần. Với chức năng, nhiệm vụ và biên chế như hiện tại, Phòng không đảm bảo được nhiệm vụ giao so với đầu công việc. Vì vậy, Phòng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung thêm 2 biên chế để đáp ứng, yêu cầu của công việc hàng ngày...

    Cùng chung nỗi niềm với huyện Ðiện Biên Ðông, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nậm Pồ cũng đang chật vật với số lượng đầu việc lớn; trong khi nhân lực rất hạn chế. Ông Phan Ngọc Linh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nậm Pồ chia sẻ: “Từ sau khi chia tách đến nay, công việc giao về phòng ngày càng nhiều, chất lượng đòi hỏi ngày càng cao mà nguồn nhân lực thì hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức. Theo chức năng nhiệm vụ, Phòng phụ trách tham mưu, giúp UBND huyện quản lý Nhà nước 15 lĩnh vực. Còn theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông về vị trí việc làm công chức chuyên môn chuyên ngành là 21 vị trí. Tuy nhiên, biên chế được giao hiện nay chỉ có 3 người (gồm 1 lãnh đạo và 2 chuyên viên). Bên cạnh đó, trước chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch... thì nhiệm vụ của Phòng càng nặng nề hơn...”.

    Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng năng lực quản lý và thực thi công vụ về chuyển đổi số vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng với một số chỉ tiêu còn đạt thấp. Hiện nay, ở các địa phương trong cả nước nói chung, tỉnh Ðiện Biên nói riêng đang đứng trước tình trạng khan hiếm nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về CNTT. Công chức chuyên môn ở cấp huyện và xã phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực chuyên môn, chủ yếu được đào tạo chuyên môn thuộc các lĩnh vực khác, như văn hóa, thông tin, thể thao.... Do công việc nhiều, biên chế ít, công chức phải phụ trách quá nhiều lĩnh vực chuyên môn dẫn đến quá tải, không có điều kiện để nâng cao năng lực, đặc biệt về chuyên môn thuộc lĩnh vực CNTT. Ngoài ra, đội ngũ công chức làm công tác về CNTT xã, phường không ổn định và năng lực không đồng đều ở các vùng, miền khác nhau. Bên cạnh đó, do kiêm nhiệm nhiều công việc thuộc lĩnh vực văn hóa thông tin nên công chức cấp xã chủ yếu chỉ tập trung vào nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, văn hóa mà nhiều nơi không chú trọng nhiệm vụ quản lý CNTT...

    Có thể thấy, nhiệm vụ chuyển đổi số không phải do một cơ quan, đơn vị nào chuyên trách thực hiện mà là sự vào cuộc của các hệ thống chính trị. Thế nhưng, việc phát triển mạng lưới cơ quan chuyên trách chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, thực thi chuyển đổi số ở tuyến cơ sở là vấn đề cần phải được đặc biệt quan tâm. Ðể có thể thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chuyên trách, các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương...

  • Nguồn tin: baodienbienphu.com.vn
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng