• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Nhiều trở ngại trong thanh toán không tiền mặt ở nông thôn
  • Thời gian đăng: 27/09/2023 02:01:06 PM - Lượt xem: 1867
  • Những năm gần đây, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Nếu như năm 2021, tỷ lệ dân số toàn tỉnh có tài khoản thanh toán điện tử mới đạt 18,36% thì đến đầu năm 2023 tăng lên trên 35%. Tuy nhiên, đối với khu vực nông thôn, để thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt và chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn nhiều trở ngại.
  • Tại các vùng nông thôn, hầu hết người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt. Trong ảnh: Người dân huyện Mường Nhé thanh toán tiền mặt khi mua hàng tạp hóa.

    Cách trung tâm huyện Mường Nhé hơn 30km, ở xã Pá Mỳ việc giao dịch, thanh toán thương mại của người dân vẫn chủ yếu sử dụng bằng tiền mặt.

    Anh Tẩn Lở Kiêm, người dân bản Huổi Lụ 2, xã Pá Mỳ cho biết: Dù có biết đến các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt qua điện thoại thông minh, nhưng từ trước đến nay tôi vẫn quen sử dụng tiền mặt khi giao dịch, mua bán. Trong xã chủ yếu cán bộ, giáo viên sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

    Không chỉ tại huyện Mường Nhé, trừ khu vực trung tâm các huyện, thị xã, thành phố thì thói quen thanh toán dùng tiền mặt vẫn đang duy trì chủ yếu ở hầu khắp các xã trên địa bàn tỉnh. Ðặc biệt, việc thanh toán không dùng tiền mặt lại càng khó khăn hơn đối với người cao tuổi. Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Tình (62 tuổi), xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, mặc dù kinh doanh hàng tạp hóa nhỏ, nhưng đến nay bà chưa biết sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Theo bà Tình, việc phải cầm một chiếc thẻ từ hoặc phải làm quen với công nghệ hiện đại trong giao dịch, thanh toán với những người cao tuổi như bà là rất khó khăn, nhất là việc nhớ mật khẩu và nhiều thao tác mà những người cao tuổi khó làm quen. Trong khi cầm tiền mặt để thanh toán tiền hàng hóa đơn giản hơn nhiều.

    Việc thanh toán không dùng tiền mặt tiện lợi, an toàn và hiệu quả. Thế nhưng thực tế nhiều người dân, nhất là khu vực nông thôn vẫn chưa thay đổi được thói quen sử dụng tiền mặt. Trước hết, trình độ người dân trên địa bàn tỉnh không đồng đều; dân sinh sống tại khu vực xa trung tâm, nhóm người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo là những nhóm dân cư có sự am hiểu về các dịch vụ thanh toán của ngân hàng và công nghệ số còn hạn chế. Bên cạnh đó, thiếu điện thoại thông minh có kết nối internet để sử dụng các dịch vụ tiện ích của ngân hàng nói riêng cũng như các dịch vụ số nói chung cũng là một khó khăn.

    Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn khoảng 11.000 hộ (chiếm 8%) chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; 30% người dân không có điện thoại thông minh, 94 bản chưa có dịch vụ tối thiểu di động từ 2G trở lên, 165 bản chưa có dịch vụ internet băng rộng cố định (cáp quang); tỷ lệ hộ nghèo chiếm 30,35%. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 83% dân số toàn tỉnh, trình độ dân trí không đồng đều, việc tiếp cận được với công nghệ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, nhiều người còn tâm lý e ngại tiếp cận với công nghệ thanh toán mới. Những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là các vụ việc tài khoản của khách hàng bị lừa đảo, bị chiếm đoạt... trong thời gian qua cũng phần nào tác động đến tâm lý người dân. 

    Bên cạnh đó, các điểm chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn còn ít, toàn tỉnh ước có trên 3.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng QR code. Ðến cuối năm 2022 tổng số tài khoản cá nhân trên địa bàn là 235.905 tài khoản với số dư ước khoảng 1.503 tỷ đồng. Huyện Nậm Pồ đến nay chưa có máy ATM rút tiền. Toàn tỉnh có 34 máy ATM và 131 thiết bị POS được lắp đặt tại các huyện, thị, thành phố. Tuy nhiên, những giao dịch không dùng tiền mặt này phần lớn mới chỉ tập trung ở khu vực đô thị; địa bàn nông thôn, vùng dân tộc, miền núi, người dân sử dụng tiền mặt là phổ biến. Theo thống kê, trong 35% dân số có tài khoản thanh toán điện tử thì chủ yếu là người dân khu vực thành thị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dài hạn.

    Mục tiêu tỉnh đề ra đến năm 2025 có 50% thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử và có trên 45% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác. Ðặc biệt, mở rộng, thúc đẩy tỷ lệ người dân không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân.

    Ðể khắc phục những khó khăn và đạt được mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, vẫn cần một lộ trình rất dài với các giải pháp đồng bộ. Trước hết là thay đổi nhận thức, thói quen dùng tiền mặt của người dân ở khu vực nông thôn, miền núi. Ðồng thời đầu tư hạ tầng công nghệ để phương thức thanh toán hiện đại có điều kiện sử dụng rộng rãi hơn ở khu vực nông thôn.

  • Nguồn tin: baodienbienphu.com.vn
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng