• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Nhìn lại một năm phát triển kinh tế số tỉnh Điện Biên
  • Thời gian đăng: 16/01/2024 04:50:40 PM - Lượt xem: 1854
  • CDS - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bắt nhịp xu thế đó, tỉnh Điện Biên đã có nhiều nỗ lực trong việc số hóa trên nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động thương mại điện tử, ngân hàng số, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Qua đó, những mục tiêu về đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như năng lực cạnh tranh của tỉnh ngày càng được rõ nét hơn.

  • FF
    Kinh tế số trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển rất nhanh chóng, năm 2023 dự kiến đóng góp 9,5% GRDP.

    Bên cạnh việc tăng cường quảng bá qua các hội chợ, gian trưng bày sản phẩm tại các lễ hội, trong hơn 1 năm trở lại đây, chị Hà Thị Kim Phước cũng tận dụng tối đa các kênh mạng xã hội như: zalo, tiktok, facebook để đăng clip, bài viết, livestream… nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm thịt trâu gác bếp Chung Phước đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh của cơ sở mình. Nhờ đó, người tiêu dùng đã biết đến và việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn. Những tháng cuối năm cao điểm, cơ sở của chị sản xuất và tiêu thụ từ 4-5 tạ thịt trâu khô/tháng. Theo thống kê, hơn 70% lượng tiêu thụ sản phẩm của cơ sở đến từ các kênh mạng xã hội.

    Kinh tế số trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển rất nhanh chóng, năm 2023 dự kiến đóng góp 9,5% GRDP. Toàn tỉnh có gần 500 sản phẩm, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu và 44 sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Sendo, PostMart.vn, Voso.vn... hơn 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông; số doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử chiếm 98%. Các doanh nghiệp, đơn vị cũng nhanh nhạy trong tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm; sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu bán hàng, quản lý dữ liệu khách hàng để tiếp cận lại sau khi mua hàng. Đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt hơn 70%.

    f
    Điện Biên có hơn 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông.

    Ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên cho biết: “Công ty dần dần sẽ hướng tới tự động hóa việc marketing và bán hàng sau khi khách hàng đã mua hàng. Sau khi khách hàng mua hàng rồi thì công ty cũng sử dụng một số công cụ tiếp thị lại của google và quảng cáo facebook… đưa ra các trải nghiệm để khách hàng biết được thông tin không chỉ sản phẩm đó mà còn sản phẩm khác của Điện Biên.”

    Trong năm 2023, để thúc đẩy phát triển kinh tế số, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai các nền tảng số dùng chung của tỉnh như: Smart DienBien; dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số công cộng… nhằm đa dạng các kênh thông tin và hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 giá trị của kinh tế số chiếm tối thiểu 10% GRDP; trên 70% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; 55% dân số trở lên tham gia mua sắm trực tuyến và 50% số hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản thương mại điện tử…

    F
    Đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt hơn 70%.

    Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp, CNTT, số hóa các ngành kinh tế; quản trị số và dữ liệu số để phục vụ cho phát triển nhanh và bền vững. Hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng ứng dụng các nền tảng của thương mại điện tử, giao dịch điện tử để tăng cường quảng bá các sản phẩm và trao đổi trên sàn thương mại điện tử.”

    Đối với tỉnh Điện Biên, kinh tế số mới chỉ là bước khởi đầu và vẫn còn cần giải pháp căn cơ, một chính sách toàn diện về phát triển hạ tầng số, nền tảng số và các nền tảng phục vụ chuyển đổi số. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ tiến trình quản lý và phát triển kinh tế số nhằm từng bước hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp số... Khi kinh tế số phát triển một cách bài bản, khoa học sẽ là cơ hội để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh mang đến những trải nghiệm tối ưu cho đối tác, người tiêu dùng; góp phần đưa kinh tế của tỉnh phát triển hoà chung với xu thế hội nhập của đất nước.

     

  • Tác giả: Phương Dung - Chí Công
  • Nguồn tin: DIENBIENTV.VN
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng