• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Xây dựng thương hiệu để nông sản vươn xa
  • Thời gian đăng: 14/06/2023 02:46:57 PM - Lượt xem: 2160
  • Thời gian qua, cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Mường Ảng đã tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng, nhất là sản phẩm từ nông nghiệp. Cũng từ đó, việc xây dựng, quản lý và phát triển "thương hiệu" sản phẩm nông sản đang được địa phương và người sản xuất quan tâm thực hiện. Đây được xem giải pháp quan trọng nhằm khẳng định chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đặc biệt là trong xu thế hội nhập như hiện nay.
  • Vườn chè rộng 13ha tại xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng là mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh Điện Biên, được Công ty TNHH trà Phan Nhất trồng từ năm 2018. Riêng năm 2022 doanh nghiệp sản xuất khoảng 11 tấn chè búp khô với 7 loại sản phẩm chủ yếu, gồm: Trà shan tuyết PH.14 hữu cơ Phan Nhất; trà xanh hữu cơ Phan Nhất; trà xanh hữu cơ...; trong đó đã có 1 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

    Việc xây dựng, phát triển thương hiệu được công ty đặc biệt quan tâm khi chứng nhận nhãn hiệu độc quyền đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp vào năm 2009, đơn vị đang tiếp tục thực hiện đăng ký với Hiệp hội Chè Việt Nam, các cơ quan chức năng nhằm hoàn thiện thủ tục, quy trình chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trà sạch hữu cơ Phan Nhất. Qua đó, tăng thêm thị phần tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài.

    1

    Thu hái chè tại vườn chè của Công ty TNHH chè Phan Nhất.

    Ông Phan Trọng Nhất, Giám đốc Công ty TNHH chè Phan Nhất, Điện Biên, cho biết: “Chúng tôi luôn luôn ý thức việc giữ gìn thương hiệu bằng cách duy trì chất lượng tốt và sản phẩm làm ra phải sạch tuyệt đối. Để xuất khẩu chính ngạch cần phải có mã vùng trồng, chúng tôi cũng đã liên hệ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ. Hiện nay, công ty có bán dạng tiểu ngạch sang Hàn Quốc, Trung Quốc, thị trường Việt Nam và khách du lịch lên Điện Biên.”

    Không chỉ với sản phẩm chè, những năm gần đây, huyện Mường Ảng đã tập trung phát triển trồng cây ăn quả thành vùng nguyên liệu, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dần định hướng thành "thương hiệu" địa phương.

    Bước đầu hiện thực hóa mục tiêu đó, cuối năm 2022, sản phẩm bưởi da xanh của Hợp tác xã hoa quả sạch Mường Ảng đã được chứng nhận đạt 3 sao OCOP. Vườn bưởi được hợp tác xã trồng theo hướng hữu cơ, quả phát triển khá đồng đều, có vị ngon, ngọt đậm đà. Trung bình mỗi năm, 50ha bưởi da xanh của hợp tác xã cho thu hoạch 200 tấn quả. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh mà còn vươn ra thị trường các tỉnh, thành phố lớn. Việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo được uy tín trên thị trường cũng là cách đơn vị bước đầu xây dựng thương hiệu.

    1

    Sản phẩm bưởi da xanh của Hợp tác xã hoa quả sạch Mường Ảng đã được chứng nhận đạt 3 sao OCOP.

    Với thế mạnh nổi tiếng về cây cà phê, năm 2022, sản phẩm cà phê Mường Ảng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt về việc đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Đến nay, các tiêu chí để được cấp chỉ dẫn địa lý đang tiếp tục được hoàn thiện với mục tiêu phát triển mạnh thương hiệu sản phẩm cà phê. Không chỉ vậy, huyện cũng hướng tới đầu tư xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản gắn với thế mạnh của từng vùng và chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Hiện, địa phương đã có 7 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 2 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 5 sản phẩm 3 sao. Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp được đẩy mạnh nhằm tăng độ nhận diện của các sản phẩm trên thị trường.

    Ông Lù Văn Cường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng, thông tin: “Ngoài phát triển các sản phẩm OCOP, huyện Mường Ảng cũng tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, các hộ sản xuất quảng bá xúc tiến thương mại để người tiêu dùng biết đến. Tiếp đến là nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có và tiếp tục hỗ trợ các chủ thể khác phát triển các sản phẩm có thế mạnh để đa dạng hóa sản phẩm từ đó người dân sẽ có đầu ra ổn định hơn...”

    Việc xây dựng thương hiệu cho nông sản đang trở thành vấn đề cấp thiết không chỉ tại huyện Mường Ảng mà còn đối với các địa phương trong tỉnh bởi có thương hiệu sẽ giúp ký kết hợp đồng tiêu thụ, được quy hoạch vùng sản xuất tập trung và sản phẩm sẽ được sản xuất có kế hoạch, bao tiêu đầu ra.

    Thời gian tới, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cũng như người sản xuất cần chọn lựa sản phẩm độc đáo, có tiềm năng để tập trung quảng bá; Tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng thương hiệu nông sản. Đồng thời, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh hàng hóa, quy mô lớn, tạo ra sản phẩm chất lượng.../.

  • Nguồn tin: dienbientv.vn
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng